Hỗ trợ trực tuyến

Hội KTS:

Cty Kiến Trúc:

Webmaster:

(+84) 63 3 821 379

iconvb

VĂN BẢN HƯỚNG DẪN LIÊN SỞ V/v: Lập, thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

 

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

SỞ NÔNG NGHIỆP – PTNT,

SỞ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG,

SỞ XÂY DỰNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

 

Số :  888 / LS-NNPTNT-TNMT-XD                                    Lâm Đồng, ngày 25  tháng 8 năm 2011

 

VĂN BẢN HƯỚNG DẪN LIÊN SỞ

V/v: Lập, thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ

và Đồ án Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

I. Căn cứ hướng dẫn :

Căn cứ Thông tư số 09/2010/TT-BXD ngày 04/8/2010 của Bộ Xây dựng về Quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính về Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2020;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BXD ngày 30/9/2010 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; Quyết định số 15/2008/ QĐ-BXD ngày 17/11/2008 của Bộ Xây dựng về Ban hành định mức chi phí quy hoạch xây dựng;

Kết luận của Tỉnh ủy về sơ kết chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh;

Văn bản chỉ đạo số 4007/UBND ngày 01/8/2011 của UBND Tỉnh;

Tình hình triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh trong thời gian qua.

II. Hướng dẫn việc lập và phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xã nông thôn mới :

1) Về Nhiệm vụ Quy hoạch :

a) Tên đồ án : Quy hoẠch chung xây dỰng xã nông thôn mỚi (Xã…, Huyện…..).

b)     Nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch chung xã nông thôn mới:

  • Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng nông thôn về: Tình hình phát triển kinh tế xã hội; phân bố dân cư; công trình công cộng và dịch vụ; hệ thống trung tâm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi ranh giới hành chính xã. Đánh gía tình hình sử dụng đất, biến động sử dụng đất, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước. Đánh giá tình hình và phương thức sản xuất trên địa bàn xã;
  • Xác định mục tiêu của quy hoạch dựa trên cơ sở các nội dung, gồm: Nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; các quy định phát triển ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn xã;
  • Các dự báo về quy mô quy hoạch, gồm: Định hướng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế; dự báo quy mô dân số, đất đai (từ xã đến các thôn, buôn) theo từng giai đoạn quy hoạch; các yêu cầu về bố trí mạng lưới điểm dân cư, hệ thống các công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất, công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối điểm dân cư nông thôn, vùng sản xuất; các yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường…;
  • Nêu các nội dung cần nghiên cứu, các yêu cầu nguyên tắc đối với quy hoạch xã nông thôn mới, gồm: Định hướng không gian sản xuất, không gian sinh sống; tổ chức mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật toàn xã; hệ thống trung tâm xã; hệ thống công trình công cộng và dịch vụ; các khu dân cư thôn, buôn…;
  • Bản vẽ đính kèm:

+ Sơ đồ vị trí và ranh giới hành chính xã;

+ Bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

2) Thành phần hồ sơ trình phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xã nông thôn mới :

  • Thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch;
  • Bản vẽ (in màu, thu nhỏ, khổ A.3 đóng thành tập vào thuyết minh);
  • Dự thảo quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch.

3) Nội dung phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xã nông thôn mới :

a)     Căn cứ lập nhiệm vụ QHXD nông thôn mới;

b)     Vị trí, ranh giới, quy mô, diện tích quy hoạch;

c)     Mục tiêu đồ án quy hoạch :

Quy hoạch chung làm cơ sở để thực hiện các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2011-2020. Trong đó các nội dung quy hoạch đáp ứng  phát triển dân cư trước mắt, tương lai đến 2020 và trong những năm sau; đồng thời đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp – TTCN,  dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả cao và bền vững cho việc sử dụng các nguồn lực của địa phương; là căn cứ để lập quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư…Vì vậy, trong nội dung phê duyệt phải xác định được Quy mô dân số, quỹ đất sản xuất, xây dựng và các nhu cầu phát triển, đất xây dựng trung tâm xã, dân cư các thôn, bản; xác định mạng lưới dân cư, các vùng đặc thù, công trình hạ tầng kỹ thuật, các chỉ tiêu đất đai và hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường;

d) Nội dung yêu cầu nghiên cứu của đồ án :

- Yêu cầu về tổ chức không gian sinh sống và sản xuất kết hợp với việc nghiên cứu mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm xã, các điểm dân cư (thôn, buôn).

- Yêu cầu nghiên cứu quy hoạch sản xuất : Đánh giá lợi thế, tiềm năng, quy mô từng loại hình sản xuất, dự báo các sản phẩm hàng hóa chủ đạo; phân khu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa; dự kiến mạng lưới, vị trí, quy mô xây dựng công trình phục vụ sản xuất...

- Yêu cầu các hạng mục công trình dự kiến ưu tiên đầu tư xây dựng trên địa bàn xã để đạt mục tiêu phát triển.

e)     Danh mục, số lượng hồ sơ đồ án, kinh phí thực hiện đồ án;

f)       Tiến độ, tổ chức thực hiện đồ án QHXD xã nông thôn mới.

III. Hướng dẫn lập và phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xã nông thôn mới :

1) Nội dung Đồ án Quy hoạch chung xã nông thôn mới : gồm 8 nội dung được nêu rõ trong thuyết minh đồ án :

a) Phân tích và đánh giá hiện trạng tổng hợp :

  • Hiện trạng về điều kiện tự nhiên, KT-XH của toàn xã để xác định các yếu tố thuận lợi, khó khăn, các thế mạnh tác động chủ yếu đến sự phát triển, tính chất đặc trưng vùng, miền và an ninh quốc phòng;
  • Hiện trạng xây dựng, hệ thống công trình công cộng cấp xã và thôn bản, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, di tích danh thắng du lịch, tôn giáo, công nghiệp, kho tàng… của xã;
  • Hiện trạng sử dụng đất (đất phi nông nghiệp; đất nông nghiệp cần đánh giá rõ các loại đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản…) và đất cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tiềm năng về đất; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; đất chưa sử dụng, đất mặt nước, đồi núi….
  • Các quy hoạch, các chương trình, dự án ở địa bàn của xã đã và đang triển khai (dự án xây dựng, điện, đường, trường, trạm…); phân tích các dự án chuẩn bị đầu tư có liên quan về mối liên hệ và tác động đến khu vực quy hoạch. Tính hiệu quả và sự phù hợp của các chương trình, dự án có phù hợp với mục tiêu quy hoạch chung đặt ra hay không.

b) Dự báo nhu cầu phát triển : Những định hướng phát triển KT-XH; dự báo quy mô dân số, nhu cầu sử dụng đất xây dựng cho từng loại công trình toàn xã và thôn, buôn; dự báo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình QHXD.

c) Quy hoạch sản xuất :

  • Xác định các tiềm năng, quy mô của từng loại hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo phát triển bền vững.
  • Phân vùng khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa, như: vùng chuyên canh cây trồng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trồng rừng kinh tế với hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo như: thủy lợi, trạm bơm tưới tiêu, đường điện, giao thông nội đồng… đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
  • Xác định các khu đất dành mở mang các khu cụm công nghiệp – TTCN-DV và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.
  • Mạng lưới, quy mô các công trình cơ sở, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ phải đảm bảo thân thiện với môi trường.

d) Định hướng tổ chức không gian tổng thể toàn xã (Quy hoạch xây dựng) :

  • Định hướng tổ chức không gian : Hình thành các phân khu chức năng sản xuất; phạm vi trung tâm xã và mạng lưới điểm dân cư nông thôn (phân tán và tập trung); hệ thống các công trình công cộng và dịch vụ; các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống; các khu vực có tính đặc thù khác (khu vực hạn chế xây dựng, cấm xây dựng, đất quốc phòng, đất dự trữ…). Xác định quy mô diện tích, cơ cấu, ranh giới sử dụng đất, các chỉ tiêu về đất đối với khu vực sản xuất, khu dân cư, công trình công cộng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và dự trữ nhu cấu phát triển; khu vực bảo vệ các công trình di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường có giá trị;
  • Đối với hệ thống khu dân cư nông thôn tập trung : Xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật phù hợp với đặc điểm sinh thái, tập quán văn hóa vùng miền (gồm : Quy mô, chỉ tiêu cơ bản về đất, nhà ở và công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt và sản xuất chủ yếu… thuyết minh rõ dân số, số hộ, diện tích của từng điểm dân cư nông thôn);
  • Đối với phạm vi trung tâm xã : Xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất, dự báo quy mô xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang hệ thống các công trình công cộng cấp xã (về giáo dục, y tế, văn hóa, TDTT, thương mại, dịch vụ…). Yêu cầu xây dựng, định hướng kiến trúc đặc trưng, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu của khu trung tâm xã, làm cơ sở để triển khai Quy hoạch chi tiết xây dựng từng phân khu, khu vực công trình (tỷ lệ 1/ 500) hoặc lập dự án đầu tư. Giải pháp QHXD mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường, nghĩa trang… Các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, kinh tế, đất đai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cấp xã;
  • Xác định các dự án ưu tiên đầu tư tại trung tâm xã và các thôn, bản, khu vực được lập quy hoạch.

e) Quy hoạch sử dụng đất: Thống nhất sử dụng tài liệu, số liệu điều tra cơ bản, các chỉ tiêu định hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các xã giai đoạn 2011 – 2020 (theo chủ trương của UBND Tỉnh tại văn bản số 2274/ UBND-ĐC ngày 11/5/2011) để xác định các nội dung quy hoạch chung với các nội dung chính sau đây.

  • Tình hình sử dụng đất, biến động đất đai, kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiềm năng đất đai phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu Quy hoạch sử dụng đất, mở rộng khu dân cư và phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã;
  • Tổng hợp và dự báo nhu cầu sử dụng đất của phương án Quy hoạch sử dụng đất trong kỳ quy hoạch. Xác định diện tích các loại đất của xã (đã được cấp Huyện phân bổ); khả năng đáp ứng về đất đai cho nhu cầu xây dựng và phát triển KT-XH;
  • Đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trên địa bàn xã; khả năng giải quyết quỹ đất ở và đất sản xuất nông nghiệp; mức độ thu nhập đối với vùng nông thôn không thuộc khu vực phát triển đô thị; mức độ ảnh hưởng đến đời sống đối với các hộ dân phải di dời chỗ ở, mất việc làm do bị thu hồi đất; khả năng tạo việc làm mới từ các khu vực quy hoạch phát triển đô thị; việc bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn xã;
  • Phân kỳ quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu. Xác định hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất và các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu. Đề xuất các giải pháp xác định ranh giới ngoài thực địa đối với diện tích đất lúa nước, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cấp Quốc gia (do cấp trên phân bổ).

f) Tổng hợp các chỉ tiêu : Về kinh tế, kỹ thuật, dân số, đất đai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu trung tâm xã và các thôn, buôn.

g) Xác định các dự án ưu tiên đầu tư : Tại trung tâm xã, các thôn, bản, vùng sản xuất và khu vực được lập quy hoạch; khái toán nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất (giai đoạn 2011 – 2015).

h) Dự thảo văn bản : Quy định quản lý quy hoạch; Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xã nông thôn mới.

 

2) Bản vẽ quy hoạch : gồm

a) Bản đồ hiện trạng tổng hợp, đánh giá đất xây dựng (hệ tọa độ VN 2000), kết hợp với sơ đồ vị trí xã và mối liên hệ vùng.

b) Bản đồ quy hoạch chung: chỉ thể hiện 01 bản vẽ (hệ tọa độ VN 2000), tỷ lệ bản đồ quy hoạch chung theo tỷ lệ bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã, với các nội dung thể hiện như sau :

  • Quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan. Thể hiện được :

+ Vị trí và ranh giới hành chính khu trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn.

+ Hệ thống công trình công cộng và dịch vụ xã;

+ Mạng lưới đường giao thông trên địa bàn xã (quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường thôn), mặt cắt đường, công trình phục vụ giao thông; Riêng đường ngõ xóm và trục nội đồng có chiều dài lớn và là trục chính phục vụ sản xuất, đi lại thì phải thể hiện trên bản đồ.

+ Cấp nước : Nguồn cấp; Vị trí các công trình cấp nước, xử lý nước, công trình điều hòa; Hệ thống đường ống chính đến từng điểm dân cư.

+ Thoát nước và xử lý rác thải : hướng và lưu vực thoát nước chính; Khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang;

+ Cấp điện : Nguồn điện; Vị trí, công suất, điện áp các trạm hạ thế; Mạng lưới cấp điện từ trung áp trở lên; Đường điện cao áp và hành lang bảo vệ các tuyến điện cao áp.

  • Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất : Thể hiện được :

+ Phân vùng khu vực sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa như : vùng chuyên canh cây trồng, nuôi trồng thủy sản,chăn nuôi gia súc,gia cầm tập trung;

+ Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chủ yếu phục vụ khu vực sản xuất như : thủy lợi, trạm bơm tưới tiêu, đường điện, giao thông nội đồng) đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

+ Xác định các khu đất dành mở mang khu công nghiệp, TTCN, Dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

3) Thành phần hồ sơ trình phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xã nông thôn mới :

a)     Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt (Quyết định phê duyệt và thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch) : 3 bộ;

b)     Bản vẽ quy hoạch : 7 bộ bản vẽ. Mỗi bộ bản vẽ gồm 2 bản vẽ theo hướng dẫn khoản 2 Mục III; Ký hiệu bản vẽ theo QĐ số 21/2005/QĐ-BXD ngày 22/7/2005 của Bộ Xây dựng và Thông tư 13/2011/TT-BTNMT ngày 15/4/2011 của Bộ TNMT.

c)     Thuyết minh quy hoạch : 7 bộ. Nội dung bám theo 8 nội dung khoản 1 mục III và bản vẽ quy hoạch chung;

d)     Các tài liệu liên quan khác : 3 bộ. Gồm các văn bản pháp lý liên quan, văn bản tổng hợp lấy ý kiến đồ án quy hoạch, hồ sơ năng lực tư vấn, chứng chỉ chủ trì thiết kế….

e)     Dự thảo quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch : 7 bộ;

f)      Đĩa CD lưu nội dung thuyết minh và bản vẽ quy hoạch : 3 đĩa.

4) Nội dung phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xã nông thôn mới:

a)     Vị trí và quy mô quy hoạch : Ranh giới, diện tích quy hoạch, quy mô và cơ cấu dân số, lao động của xã theo từng giai đoạn quy hoạch.

b)     Mục tiêu, nội dung, yêu cầu của đồ án : Cụ thể hóa định hướng phát triển KT-XH; xác định cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; định hướng tổ chức không gian sản xuất, sinh sống, hệ thống công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật và phục vụ sản xuất toàn xã; làm cơ sở pháp lý để xây dựng và quản lý đầu tư.

c)     Tiền đề phát triển.

d)     Dự báo quy mô quy hoạch : Quy mô, cơ cấu dân số, lao động; quy mô, cơ cấu sử dụng đất.

e)     Định hướng QHXD xã nông thôn mới :

+ Yêu cầu và nguyên tắc về phân khu chức năng (không gian sản xuất, sinh sống, các khu vực phát triển, vùng cấm hoặc hạn chế xây dựng, bảo tồn…).

+ Cơ cấu phân khu chức năng, quỹ đất xây dựng, các khu vực trung tâm xã và hệ thống dân cư thôn, bản.

+ Định hướng QHXD, giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, hệ thống trung tâm xã, công trình công cộng, dịch vụ, hệ thống thôn, bản, điểm dân cư nông thôn tập trung; xác định các khu vực phát triển và hạn chế phát triển, vùng cấm xây dựng…; xác định ranh giới, quỹ đất xây dựng trung tâm xã, vị trí, quy mô và diện tích xây dựng; các chỉ tiêu cơ bản của công trình công cộng, dịch vụ, cây xanh được xây dựng mới hoặc cải tạo (như : các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ cấp xã…) phù hợp khả năng, đặc điểm, yêu cầu phát triển KT-XH của xã theo từng giai đọan quy hoạch.

+ Xác định quy mô dân số, hệ thống dân cư các thôn, bản, các chỉ tiêu đất đai và hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường của từng khu vực; định hướng cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ tại thôn, bản.

+ Định hướng QHXD hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ sản xuất, công trình đầu mối trong phạm vi xã : Quy mô công trình; danh mục các công trình dự kiến đầu tư.

f)      Các chỉ tiêu về dân số, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trung tâm xã và các thôn, bản.

g)     Danh mục các dự án ưu tiên theo kỳ kế hoạch để đạt tiêu chí nông thôn mới.

h)    Tiến độ, giải pháp tổ chức thực hiện đồ án QHXD.

i)       Quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch.

IV. Về dự toán quy hoạch

1)     Đối với các xã đã phê duyệt Nhiệm vụ QHXD và đang triển khai quy hoạch (đã họp báo cáo xin ý kiến), tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo trước đây của UBND Tỉnh (tại Công văn số 1577/ UBND-NN ngày 31/3/2011): dự toán quy hoạch được áp dụng theo Quyết định số 15/2008/ QĐ-BXD ngày 17/11/2008 của Bộ Xây dựng v/v “Ban hành định mức chi phí QHXD”, hoặc Thông tư số 17/2010/ TT-BXD ngày 30/9/2010 của Bộ Xây dựng v/v “Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí QHXD và quy hoạch đô thị” (nếu phê duyệt sau khi có Thông tư số 17/2010/ TT-BXD ngày 30/9/2010 của Bộ Xây dựng ra đời có hiệu lực thi hành).

2)     Đối với các xã chưa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, hoặc đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nhưng chưa triển khai đồ án quy hoạch thì chỉ tập trung việc lập Quy hoạch chung xây dựng toàn xã (riêng việc xây dựng Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn, tạm dừng triển khai và sẽ thực hiện ở giai đoạn sau). Chi phí QHXD được vận dụng, áp dụng định mức chi phí tại bảng 2, 3 phụ lục được ban hành theo Thông tư số 17/2010/ TT-BXD ngày 30/9/2010 của Bộ Xây dựng v/v “Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí QHXD và quy hoạch đô thị”; Trường hợp không vận dụng và áp dụng được thì lập dự toán chi phí cụ thể nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng cho 01 xã (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4007/UBND-NN ngày 01/8/2011).

3)     Chi phí lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, hoặc các quy hoạch chuyên ngành khác (trên địa bàn xã) không được tính trong dự toán kinh phí lập Nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch, vì đã sử dụng số liệu và tài liệu điều tra cơ bản của các đồ án trước. Có thể tính toán chi phí thu thập và tổng hợp.

4)     Chi phí quy hoạch đã bao gồm chi phí đánh giá môi trường chiến lược của đồ án quy hoạch; các chi phí khác (như Chi phí thẩm định QH, quản lý QH, công bố QH…) được tính tỷ lệ % trên mức kinh phí lập đồ án QH. Đối với chi phí công bố QH được duyệt là dự nguồn, khi quyết toán phải căn cứ trên dự toán chi phí thực tế và các chứng từ thanh toán hợp lệ, phù hợp quy định, nhưng không quá 5 % mức kinh phí lập đồ án quy hoạch.

V. Một số lưu ý khi tổ chức thực hiện :

1) Trách nhiệm của xã (chủ đầu tư) :

- Định hướng xây dựng quy hoạch chung của xã trên cơ sở khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân;

- Lựa chọn đơn vị tư vấn;

- Xác định cụ thể nội dung nào đơn vị tư vấn làm, nội dung nào xã và nhân dân địa phương làm, để làm cơ sở ký hợp đồng với đơn vị tư vấn (theo hướng không khoán trắng cho đơn vị tư vấn).

2) Lấy ý kiến đối với các đồ án QHXD xã nông thôn mới :

a)     Trong quá trình lập đồ án quy hoạch, tổ chức tư vấn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch theo các hình thức hội họp, trao đổi ý kiến trực tiếp hoặc phát phiếu lấy ý kiến về nội dung quy hoạch để nhân dân biết và góp ý.

Nội dung chủ yếu cần lấy ý kiến gồm : Quy mô, phương án quy hoạch, giải pháp tổ chức không gian sản xuất, sinh sống, phân khu sản xuất, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật – xã hội, giải phóng mặt bằng (nếu có), giải pháp huy động nguồn lực…

Các ý kiến phải được tổng hợp đầy đủ bằng văn bản và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi phê duyệt.

b)     Trên cơ sở hồ sơ nhiệm vụ, đồ án QHXD và kết quả lấy ý kiến, UBND các Huyện và Thành phố thuộc Tỉnh quyết định lựa chọn phương án QHXD xã nông thôn mới.

3) Về thẩm quyền trình thẩm định, phê duyệt và trách nhiệm của các sở chuyên ngành :

a)     Cơ quan trình duyệt : UBND các xã làm chủ đầu tư tổ chức lập và trình duyệt nhiệm vụ và đồ án QHXD xã nông thôn mới kèm theo Quy định quản lý quy hoạch (Trường hợp đơn vị chức năng được cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư dự án QHXD xã nông thôn mới, cần có sự thống nhất của Chính quyền địa phương về nội dung nhiệm vụ và phương án quy hoạch trước khi trình duyệt). Đơn vị tư vấn lập quy hoạch chịu trách nhiệm giúp chủ đầu tư triển khai thực hiện các yêu cầu trong quá trình lập nhiệm vụ và nghiên cứu lập đồ án QHXD xã nông thôn mới.

b)     Cơ quan thẩm định : Phòng Quản lý đô thị TP. Đà Lạt, Bảo Lộc và Phòng Công thương các Huyện chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường, Phòng Kinh tế, phòng Tài chính - Kế hoạch tổ chức thẩm định và trình UBND các Huyện, Thành phố phê duyệt Nhiệm vụ, đồ án QHXD xã nông thôn mới. Các phòng chủ trì có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Sở Xây dựng định kỳ 3 tháng và hàng năm về kế hoạch, chương trình lập QHXD và tình hình quản lý, thực hiện QHXD xã nông thôn mới trên địa bàn. Lưu ý, trong quá trình lập, thẩm định phải luôn xác định nhiệm vụ của quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới là cơ sở để đề ra các giải pháp thực hiện 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

c)     Cơ quan phê duyệt (Nhiệm vụ, đồ án và Quy định quản lý QHXD) : UBND các Huyện, TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc.

d)     Sở Xây dựng : Tham mưu giúp UBND Tỉnh tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, về tình hình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện, quản lý QHXD xã nông thôn mới được phê duyệt. Đồng thời, hỗ trợ công tác thẩm định Nhiệm vụ và đồ án QHXD đối với 11 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới của Tỉnh.

e)     Sở Tài Nguyên Môi Trường : Ngoài việc tập trung hướng dẫn đôn đốc tiến độ quy hoạch sử dung đất đang triển khai tại các địa phương, sở có trách nhiệm cung cấp file bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi có yêu cầu để phục vụ cho việc lập đồ án quy hoạch như đã hướng dẫn.

f)      Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn : Cung cấp các đồ án chuyên ngành đã được phê duyệt cho các địa phương, đồng thời hướng dẫn các phòng chuyên môn của huyện trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch đối với nội dung quy hoạch sản xuất theo các nội dung hướng dẫn đã nêu.

4) Về quản lý QHXD nông thôn mới :

a)     UBND các Huyện, Thành phố thuộc Tỉnh ban hành Quy định về quản lý QHXD nông thôn mới (theo đồ án QHXD được duyệt) – trên cơ sở dự thảo do đơn vị tư vấn lập, được UBND xã đồng thuận, và được cơ quan thẩm định thống nhất trình duyệt ban hành.

b)     UBND các xã tổ chức thực hiện việc quản lý quy hoạch, công bố, công khai QHXD nông thôn mới và các ngành chức năng thuộc Huyện, Thành phố hướng dẫn, tuyên truyền một số nội dung chủ yếu sau:

- Định hướng phát triển không gian sản xuất, sinh sống; các khu chức năng Trung tâm xã, thôn, buôn, khu bảo tồn, tôn tạo các di tích, các khu vực có yêu cầu riêng.

- Hệ thống công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, phục vụ sản xuất.

- Các khu phát triển mới, khu cải tạo, khu đặc thù, khu bảo vệ và khu cấm xây dựng…

- Mạng lưới dân cư thôn, bản, bao gồm khu cải tạo và khu phát triển mới.

- Quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Trong quá trình thực hiện QHXD nông thôn mới, các dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai cần được cập nhật và công bố kịp thời, đầy đủ, để các tổ chức và cá nhân biết và giám sát thực hiện.

Trên đây là những nội dung chủ yếu nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện, quản lý QHXD xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nội dung hướng dẫn trên thay thế các nội dung có liên quan tại các văn bản Hướng dẫn số 1058/ SXD-KTQH ngày 20/12/2010, số 378/ SXD-KTQH ngày 10/5/2011, số 448/ SXD-KTQH ngày 27/5/2011 của Sở Xây dựng và Hướng dẫn số 461/ HD-SNN ngày 15/3/2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc về lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành, đề nghị các địa phương liên hệ trực tiếp hoặc bằng văn bản gởi về các sở chuyên ngành để được hỗ trợ, giải đáp kịp thời.

SỞ NÔNG NGHIỆP & PT NÔNG THÔN                                  SỞ XÂY DỰNG

SỞ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG

Nơi nhận :

- UBND Tỉnh (thay b/cáo)

- Các Sở NN.PTNT, TN&MT, Tài chính… ( biết )

- UBND các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc  (chỉ đạo th/hiện)

- Các P. Qlý đô thị TP, P. Công thương, P. Nông nghiệp huyện ( - )

- Lưu VP, KTQH, HTKT.

Có thể tải file .doc trên Diễn đàn Kiến trúc Lâm Đồng http://diendankientruclamdong.vn


Quay lại