Hỗ trợ trực tuyến
Hội KTS:
Cty Kiến Trúc:
Webmaster:
(+84) 63 3 821 379



Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Diễn đàn Kiến trúc sư Châu Á lần thứ 16 [19/08/2011]
Thưa Quý vị!
Đô thị và đô thị hoá là quy luật phát triển tất yếu của nhân loại. Các đô thị không chỉ là những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục mà còn là không gian phát triển, sáng tạo những ý tưởng, nơi lưu giữ tri thức, thông tin, nơi tập trung sản phẩm vật chất và tinh thần tinh túy, tuyệt vời nhất của nhân loại. Tuy nhiên, sự phát triển của đô thị trong thế kỷ XXI cũng đặt ra nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, văn hóa, dân số, năng lượng, lương thực,… và đặc biệt là những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu.
Là khu vực có nền kinh tế phát triển rất năng động. Châu Á có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều đô thị lớn và siêu đô thị. Các đô thị này đóng góp tới 80% vào tăng trưởng của nền kinh tế khu vực và đang trở thành các trung tâm động lực phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa không chỉ với châu Á mà còn trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, các đô thị châu Á rất dễ bị tổn thương bởi động đất, lũ lụt, nước biển dâng và sóng thần do biến đổi khí hậu gây ra. Sự bùng nổ dân số tại các đô thị do luồng người nhập cư từ khu vực nông thôn ra thành thị ngày càng lớn sẽ tạo ra những thách thức cho chính quyền các cấp: bất bình đẳng về kinh tế và xã hội giữa người nghèo và người giàu, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội và tội phạm.
Hiện nay, hơn 25% dân số đô thị châu Á sống nghèo khổ trong các khu ổ chuột, không có điều kiện tiếp cận với nhà ở xã hội và các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống như y tế, giáo dục, các cơ hội việc làm có thu nhập, cũng như tham gia vào các kế hoạch tác động đến cuộc sống tương lai của họ.
Ở Việt Nam, cùng với quá trình phát triển kinh tế, các đô thị đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội của của đất nước. Nhiều đô thị không chỉ là những trung tâm hành chính của các vùng, miền mà còn có không gian đô thị được tổ chức tốt, nổi tiếng về sự cổ kính với những đường nét kiến trúc độc đáo và hàm chứa trong nó bản sắc văn hoá riêng biệt, nét sống thanh lịch, độc đáo.
Sau 25 năm thực hiện chính sách đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước, tiềm lực kinh tế được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra ngày càng nhanh hơn, diện mạo và chất lượng đô thị Việt Nam được cải thiện.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới thì Việt Nam có tốc đô đô thị hoá cao nhất Đông Nam Á. Năm 1986, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị ở Việt Nam là 19% (khoảng 11,8 triệu người), đến năm 2010 đã tăng lên 30,5% (khoảng 26,3 triệu người). Các đô thị có xu hướng liên kết để mở rộng phạm vi hoạt động, giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội mà trước hết là đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, bảo vệ môi trường, cung ứng dịch vụ công...
Tuy nhiên, cũng như nhiều nước đang phát triển, đô thị Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như dân số đô thị tăng nhanh, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu; môi trường ô nhiễm…và cả những vấn đề chung của toàn cầu là biến đổi khí hậu.
Nhận thức được vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương phát triển kinh tế bền vững, gắn tăng trưởng với bảo vệ và gìn giữ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu chiến lược là “Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc”.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích các địa phương chủ động nghiên cứu, hợp tác học tập kinh nghiệm các nước áp dụng các mô hình phát triển và quản lý đô thị hiện đại trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động giảm nhẹ thiên tai, trong đó vai trò của quy hoạch phát triển đô thị có ý nghĩa chiến lược theo hướng phát triển bền vững, đô thị sinh thái, kiến trúc xanh.
Thưa Quý vị!
Diễn đàn Kiến trúc sư châu Á lần thứ 16 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là thành phố đang đổi mới mạnh mẽ, đi tiên phong trong phát triển đô thị theo hướng bền vững. Để các đô thị phát triển bền vững trong thế kỷ XXI, các kiến trúc sư châu Á cần nghiên cứu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tham mưu cho Chính phủ các giải pháp hợp lý, tiết kiệm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Các đô thị chấu Á cần phải có bản sắc văn hóa đặc trưng, thân thiện với con người, với môi trường, tiết kiệm năng lượng và an toàn trước hiểm họa của thiên nhiên.
Tôi hy vọng rằng, từ diễn đàn này, trên tinh thần hợp tác và hữu nghị, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư các nước châu Á tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác có hiếu quả, tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau tìm ra những giải pháp trong dự báo, thiết kế, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị để thích ứng trước các biến động phức tạp, trong đó có biến đổi khí hậu, để đô thị các nước châu Á phát triển bền vững, thịnh vượng và giàu bản sắc.
Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp và chúc sức khỏe các quý vị đại biểu. Chúc các vị khách quốc tế có những ngày lưu lại trên đất nước Việt Nam thật vui vẻ, hạnh phúc.
Xin cám ơn Quý vị!
theo kienviet.net
Các tin tức cùng loại
Gần 50 giải thưởng được trao tại Lễ bế mạc Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV [19/08/2011] 11 công trình tại Việt Nam đạt giải kiến trúc thế giới [19/08/2011] Dấu ấn Liên hoan Kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ IX: Truyền lửa, ý nghĩa và đậm đà sắc màu Tây Bắc [19/08/2011] Khai mạc Festival Kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ IX năm 2023 [19/08/2011] THÔNG BÁO SỐ 1 "FESTIVAL KIẾN TRÚC SƯ TRẺ TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX-2023 TẠI TỈNH YÊN BÁI" [19/08/2011] Dấu ấn “Bắc Giang - Miền đất linh thiêng” [19/08/2011]