Hỗ trợ trực tuyến

Hội KTS:

Cty Kiến Trúc:

Webmaster:

(+84) 63 3 821 379

images757495_Trang1_2sua

ĐỒNG CHÍ HUỲNH ĐỨC HÒA - BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH [16/03/2012]

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh thăm, làm việc  tại xã nông thôn mới Tân Hội, huyện Đức Trọng.

 

PV: Thưa Bí thư Tỉnh ủy, qua 10 thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng đã đạt những kết quả như thế nào? và những vấn đề cần lưu ý trong công tác lãnh, chỉ đạo?

BÍ THƯ TỈNH ỦY: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Điều đó thể hiện: Kinh tế phát triển với tốc độ cao, quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và du lịch có bước phát triển vượt bậc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được nâng lên. Một số vấn đề bức xúc xã hội như giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, nhà ở, đất đai, xóa đói giảm nghèo... được các cấp uỷ, chính quyền tập trung chỉ đạo giải quyết. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Lâm Đồng đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu “thoát khỏi tình trạng chậm phát triển”.

Vui mừng trước những thành tựu đạt được, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhận thấy, kết quả thực hiện nghị quyết vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém, đáng lưu ý là:

- Lâm Đồng chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có. Vẫn là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế nhỏ, phát triển thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu đồng bộ; thiết bị, công nghệ lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế còn yếu...

- Văn hóa, xã hội còn có mặt bất cập so với yêu cầu phát triển, xã hội hoá một số lĩnh vực chậm. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn. Chênh lệch giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn, vùng dân tộc thiểu số có xu hướng giãn ra; tỷ lệ hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao.

- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định.

ĐẢM BẢO PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ TRÊN TẤT CẢ CÁC LĨNH VỰC ĐƯA LÂM ĐỒNG TRỞ THÀNH TỈNH PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TÂY NGUYÊN

PV: Đồng chí cho biết mục tiêu Chương trình hành động tiếp tục thực hiện phát triển vùng Tây Nguyên bền vững thời kỳ 2011 - 2020 được Lâm Đồng xác định như thế nào?

BÍ THƯ TỈNH ỦY: Trước hết về mục tiêu chung của Chương trình hành động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định phải tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết 10-NQ/TW, Kết luận 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020, gắn với triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX và mục tiêu, phương hướng phát triển các ngành theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo sự phát triển đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Phát huy tính năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để khai thác hợp lý nội lực, kết hợp với huy động tối đa ngoại lực để đưa Lâm Đồng thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Về mục tiêu cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định cho các giai đoạn phát triển đến năm 2015 và 2020. Cụ thể đến năm 2020: Lâm Đồng phải đạt tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13,5 - 14%; GDP đạt từ 92 - 100 triệu đồng; cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản 27 - 28%, công nghiệp và xây dựng 35 - 36%, dịch vụ 36 - 37%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.800 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42% GDP; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 14,2% GDP; cơ bản lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn dưới 1,2%; quy mô dân số khoảng 1,4 triệu người; cơ bản không còn hộ nghèo; có 10% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 5%; bình quân đạt 32 giường bệnh và 8 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo nghề 55%; 100% thôn, buôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, 90% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; độ che phủ rừng đạt trên 62%; toàn bộ rác thải các loại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn; cơ bản các xã đều đạt đủ các tiêu chí về nông thôn mới...

PV: Thưa đồng chí! Để thực hiện mục tiêu trên, vậy riêng trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Chương trình đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nào?

BÍ THƯ TỈNH ỦY: Nhằm phát triển một cách toàn diện các lĩnh vực: Văn hóa - xã hội, an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị và đặc biệt là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Chương trình hành động đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1- Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, xây dựng. Nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo sự phát triển của địa phương phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, với Quy hoạch vùng Tây Nguyên và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là những công trình giao thông thiết yếu, công trình thủy điện, thủy lợi, hạ tầng đô thị. Đầu tư xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch lớn và trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của khu vực và cả nước, thành phố Bảo Lộc trở thành đô thị công nghiệp của tỉnh…

3- Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, nông nghiệp theo hướng bền vững; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu. Tạo điều kiện chuyển đổi giống và cơ cấu cây trồng, vật nuôi; gắn phát triển nông nghiệp với bảo quản sau thu hoạch và xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ưu tiên các chương trình phát triển thủy lợi; chương trình kiên cố hóa kênh mương; đề án phát triển thủy lợi nhỏ vùng đồng bào dân tộc, phát triển giao thông nông thôn. Giải quyết tốt vấn đề di dân cư tự do cả nơi đi và nơi đến, sắp xếp, bố trí các cụm, điểm dân cư ổn định ở từng địa bàn để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

4- Tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh về lâm nghiệp; tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp, công ty lâm nghiệp trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tiếp tục thực hiện xã hội hoá nghề rừng, thực hiện đề án chuyển đổi rừng, ưu tiên giao khoán rừng và đất lâm nghiệp cho đồng bào thiểu số, hộ nghèo và cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ, trồng rừng kinh tế để người dân được hưởng lợi từ rừng. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; khuyến khích đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng, phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất nạn phá rừng, nâng dần độ che phủ của rừng.

5- Huy động nguồn lực, tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số. Ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển ngành nghề truyền thống và xây dựng mô hình sản xuất phù hợp; giải quyết căn bản vấn đề đất sản xuất và trợ giúp đồng bào quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

6- Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê đạt tầm khu vực và quốc tế, xây dựng các sản phẩm hàng hoá chủ lực có thương hiệu mạnh; thu hút đầu tư để lấp đầy diện tích các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

7- Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phát triển ngành du lịch, dịch vụ; đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch để kéo dài thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách. Mở rộng liên kết, hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ để hình thành các tam giác phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

8- Tiếp tục củng cố, xây dựng quan hệ sản xuất, thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển nhiều loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác phát triển phù hợp, bình đẳng theo quy định của pháp luật.

PV: Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy đã trả lời phỏng vấn!



Quay lại