Hỗ trợ trực tuyến

Hội KTS:

Cty Kiến Trúc:

Webmaster:

(+84) 63 3 821 379

duong_sat_dalat

Lâm Đồng - Quy hoạch hệ thống đường sắt: Sự đón đầu cần thiết [13/09/2011]

Ông Hiệp cho biết thêm: “Theo định hướng đến năm 2030, trong tổng vốn gần 97.400 tỷ đồng (tương đương 5,13 tỷ USD) thì vốn dành cho đường sắt chiếm phần lớn: 62.683 tỷ đồng; tiếp đến là nguồn vốn dành cho các dự án đường bộ (32.400 tỷ đồng), đường không (1.889 tỷ đồng), sau đó là đường thủy, bến xe…”. Chỉ cần phân tích về nguồn vốn cũng đủ để thấy rằng hệ thống giao thông đường sắt đối với sự phát triển KT-XH Lâm Đồng quan trọng đến mức nào. Theo quy hoạch, hệ thống giao thông đường sắt tỉnh Lâm Đồng trong tương lai được phân thành hai mảng lớn là đường sắt liên tỉnh và đường sắt đô thị. Với Lâm Đồng, tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt (Lâm Đồng) – Tháp Chàm (Ninh Thuận) từng khá nổi tiếng trước đây nhưng qua quá trình lịch sử, tuyến đường đã bị phá bỏ. Trước đây, tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt – Tháp Chàm dài 84km, trong đó có đoạn đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam dài 10km vượt đèo Sông Pha với độ dốc hơn 12%; được xây dựng vào năm 1931 và chính thức ngưng hoạt động vào năm 1968. Hiện tại ở Lâm Đồng, mạng lưới giao thông đường sắt hầu như không mấy phát triển. Ngoài tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát dài 8km (trên cơ sở tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm trước đây còn sót lại), Lâm Đồng không có công trình đường sắt nào khác. Ông Trương Hữu Hiệp cho biết quan điểm phát triển giao thông nói chung và đường sắt nói riêng trong quy hoạch lần này của tỉnh là việc phát triển đó “phù hợp với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực, gắn kết mạng lưới giao thông quốc gia và của từng địa phương trong vùng. Đi trước một bước đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa”. Trên cơ sở quan điểm đó, về hệ thống đường sắt của tỉnh, một trong những nội dung quan trọng được đưa ra là việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt dài 84km, khổ đường 1000mm, có độ dốc lớn hơn 25%0, đường sắt 3 ray… Cùng đó, tuyến đường sắt hoàn toàn mới phục vụ cho phát triển công nghiệp nhôm khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cũng đã được đặt ra. Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu từ Gia Nghĩa (tỉnh Đắc Nông) theo quốc lộ 28 vượt sông Đồng Nai vào địa phận Lâm Đồng để đến nhà máy alumin Tân Rai, để sau đó nối xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận) dài khoảng 250km; trong đó, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 97,6km. Đây là tuyến đường sắt đa dụng, được xây dựng theo dạng đường đôi, khổ 1435mm để tiện lợi cho việc vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên về cảng biển. Cùng đó, một tuyến đường sắt hoàn toàn mới khác cũng sẽ được mở ra để nối Đắc Nông (từ Gia Nghĩa) với Lâm Đồng (đến Đà Lạt) có chiều dài 150km; trong đó, đoạn nằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng dài 105km. Ngoài các tuyến đường sắt nối Lâm Đồng với các tỉnh khác nói trên, quy hoạch lần này còn đặt ra vấn đề phát triển đường sắt đô thị để phục vụ du khách là chính. Ông Trương Hữu Hiệp cho biết: “Đối với TP Đà Lạt có địa hình đồi núi và nhu cầu đi lại trong thành phố để đến các điểm du lịch của du khách là khá lớn nên việc chọn loại phương tiện đường sắt monorail (đường sắt trên không) là hợp lý. Bởi lẽ, monorail có ưu điểm là sử dụng điện nên ít gây ô nhiễm môi trường, chạy riêng biệt trên đường dành riêng, có thể vượt độ dốc 6%, phương tiện có kích thước nhỏ…”. Theo quy hoạch, sẽ có 6 tuyến đường sắt monorail từ trung tâm Đà Lạt (ga Đà Lạt) đi đến các điểm du lịch Suối Vàng dài 18,5km, đi Langbian dài 8,55km, đi thung lũng Tình Yêu 6,9km, đi Tuyền Lâm 11,7km và từ ga Đà Lạt đi sân bay Liên Khương dài 28,2km. “Cùng với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường hàng không thì việc quy hoạch hệ thống tuyến đường sắt nói trên là nhằm phát triển mạnh cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở địa phương một cách bền vững; hòa nhập với các địa phương để phát triển KT-XH, đáp ứng được yêu cầu về công nghiệp hóa – hiện đại hóa…” – GĐ Sở GTVT Trương Hữu Hiệp nhấn mạnh.

theo Lâm Đồng Online



Quay lại